GIỚI THIỆU
    THỐNG KÊ TRUY CẬP
    Số người đang online: 26
    Số lượt truy cập: 884745
    QUẢNG CÁO
    Giai đoạn “vàng” để giáo dục Kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi. 2/29/2024 4:05:30 PM
    Giai đoạn từ 1-3 tuổi là giai đoạn “vàng” để ba mẹ có thể giáo dục và định hình các thói quen sống, tính cách cũng như lối hành xử của trẻ trong tương lai. Do đó, dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi là điều mà cha mẹ nào cũng cần phải chú ý. Cụ thể, dạy kỹ năng sống cho trẻ ở giai đoạn này cần tập trung vào những hoạt động nào. Làm thế nào rèn luyện thói quen tốt, tính tự lập và phát huy sự sáng tạo ở trẻ? Giai đoạn trẻ được 3 tuổi là giai đoạn quan trọng, là thời điểm “vàng” để ba mẹ dạy cho bé những kiến thức về kỹ năng sống cần thiết. Ở độ tuổi này, các bé như một tờ giấy trắng, vẫn chưa biết phải làm gì, nên làm gì hay cái gì đúng và cái gì sai. Vì vậy, tính cách, nhận thức của bé trong tương lai sẽ đi theo hướng tích cực hay tiêu cực là phụ thuộc vào những gì bé được dạy vào giai đoạn này.

    Nếu bố mẹ chủ quan, không quan tâm đến giai đoạn này, giáo dục trẻ không đúng cách sẽ khiến các bé dễ bị hình thành những thói xấu, tiếp thu những kiến thức không tốt. Để đến sau này, những điều không tốt sẽ dần ngấm sâu vào trong tâm trí bé, khiến bé không thể thay đổi được nữa.

    Do đó, quý phụ huynh nên biết tận dụng thời điểm này dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi đúng cách, giúp bé phát triển và trở thành một công dân có ích cho xã hội.

    Một số kỹ năng sống cần thiết cần cho trẻ 3 tuổi

    1. Dạy trẻ 3 tuổi biết hòa đồng và cư xử đúng mực

    Một trong những điều quan trọng khi dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi là dạy cho bé cách ứng xử đúng mực với mọi người xung quanh, không chiều theo những mong muốn vô lý của trẻ. Cha mẹ có thể đan xen các bài học về kỹ năng ứng xử cho trẻ thông qua các trường hợp cụ thể. Nếu thấy trẻ tranh giành chơi đồ chơi khi chơi cùng bạn, ba mẹ hãy nhắc nhở và khuyên bé không nên tranh giành đồ chơi với bạn, thay vào đó nên nhường nhịn, trẻ chia sẻ đồ chơi cùng bạn và thường xuyên khuyến khích trẻ cùng bạn tham gia vào các trò chơi đội nhóm. Việc này sẽ giúp phát triển kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ từ sớm.

    Ngoài ra, ba mẹ cũng nên dạy bé cách biết nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi” trong từng trường hợp. Chẳng hạn, khi vô ý đụng phải người bên cạnh, trẻ nên biết cách xin lỗi và ứng xử phù hợp. Chính những cử chỉ và hành động nhỏ này của các con sẽ giúp bé nhận được sự yêu thương và quý mến từ những người xung quanh.

     

    2. Dạy trẻ 3 tuổi biết giúp đỡ mọi người xung quanh

    Ba mẹ nào cũng muốn con lớn lên nhận được sự yêu thương và quý mến từ mọi người. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, ba mẹ hãy dạy cho trẻ sự yêu thương và tôn trọng những người xung quanh, sẵn sàng giúp đỡ khi có thể. Ba mẹ có thể hướng dẫn và hình thành thói quen tốt này cho con thông qua các hành động của chính mình như dắt người già qua đường, nhường chỗ trên xe cho người cao tuổi…

    3. Dạy trẻ 3 tuổi biết tự chủ và quản lý cảm xúc

    Khi dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu mà bất cứ cha mẹ nào cũng nên lưu tâm đó chính là cách làm chủ và quản lý cảm xúc của bản thân. Trẻ ở độ tuổi này chưa biết làm chủ cảm xúc của mình, dễ la lối, khóc lóc, thiếu kiên nhẫn… Việc của cha mẹ là kiên nhẫn trong mọi tình huống, từ từ dạy bảo trẻ, phân tích cho trẻ để trẻ hiểu rõ và kiềm chế lại cảm xúc cá nhân của mình, ứng xử cho phù hợp trong từng tình huống khác nhau. Ví dụ như trong lúc chơi đùa, chạy giỡn khi bị bạn vô tình đụng ngã, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và có các hành động như muốn đánh bạn hoặc xô ngã lại bạn, trong tình huống này cha mẹ nên dạy trẻ cách kiềm chế cảm xúc của bản thân, nói rằng “lần sau bạn cẩn thận hơn nhé” và bỏ qua cho bạn.

    4. Dạy trẻ 3 tuổi biết bảo vệ môi trường, yêu thương động vật

    Tương tự như cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, việc cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, các loài động vật giúp bé sớm hình thành tình cảm với những sự vật này, biết trân trọng và yêu thương nhiều hơn. Đồng thời, cha mẹ cũng nên dạy trẻ về tầm quan trọng của môi trường và động vật đối với con người và dạy trẻ biết bảo vệ, yêu thương động vật. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng hãy tập cho bé phân loại các loại rác thải tái chế như nhựa, thùng carton và rác hữu cơ như đồ ăn, vỏ rau củ,… Từ đó, giúp hình thành ý thức bảo vệ môi trường, các loài vật ở trẻ.

    5. Dạy trẻ 3 tuổi biết cảm ơn và xin lỗi đúng lúc

    Có không ít bậc phụ huynh quá che chở và nuông chiều con, dẫn đến bé có cách cư xử không đúng cách với người xung quanh. Cụ thể là không biết cảm ơn khi được cho quà bánh, và không biết xin lỗi khi lỡ làm sai điều gì. Những điều này sẽ hình thành những tính cách xấu cho bé sau này từ trong cách đối xử với mọi người xung quanh.

    Vì vậy, bố mẹ khôn ngoan là những người biết dạy cho trẻ 3 tuổi biết cảm ơn và xin lỗi đúng chỗ, đúng lúc. Khi nhận được một món quà bánh, hay sự giúp đỡ từ người khác, bé cần phải thể hiện sự biết ơn thông qua việc nói cảm ơn, hành động cúi đầu,… Bên cạnh đó, mỗi khi làm sai, bé cần học cách xin lỗi với một thái độ hối hận và thành khẩn để xin được tha thứ.

    6. Dạy bé biết cách bảo vệ bản thân khỏi mối hiểm nguy

    Tuy còn bé, ít khi sẽ rời khỏi vòng tay ba mẹ hay người lớn, tuy nhiên trẻ cũng có thể dễ rơi vào nguy hiểm. Vì vậy, để tự bảo vệ bản thân khi đối mặt với nguy hiểm, ba mẹ hãy dạy trẻ cách nhận biết và cách phản ứng khi bất ngờ bị rơi vào những tình huống nguy hiểm. Cụ thể, cách ứng phó khi gặp người lạ ở trường trong lúc đợi bố mẹ đón, hay khi gặp người lạ đến nhà khi bố mẹ vắng nhà.

    Ba mẹ nên chỉ con học thuộc số điện thoại bố mẹ, số nhà cũng như các số điện thoại gọi khẩn cấp,… Hơn nữa, hãy nói với con rằng chỉ nên cung cấp những thông tin này cho những người bé cảm thấy tin tưởng. Khi bị đi lạc thì hãy chạy nhanh nhất đến một nơi an toàn hoặc tìm người giúp đỡ như cảnh sát, công an,…

    7. Dạy trẻ 3 tuổi hiểu về giá trị đồng tiền

    Dạy trẻ 3 tuổi hiểu về giá trị đồng tiền giúp trẻ hình thành thói quen chi tiêu tốt từ những ngày còn rất nhỏ. Ba mẹ có thể dạy trẻ học cách sử dụng tiền bằng cách cho bé trả tiền khi đi siêu thị, chỉ bé bỏ tiền vào ống heo để mỗi khi muốn mua đồ chơi hay bánh kẹo sẽ lấy ra để dùng,… Ngoài ra, ba mẹ cũng nên nhẹ nhàng nói cho bé nghe về giá trị của tiền bạc, dạy bé không nên vì mong muốn nhất thời mà mua một thứ gì đó không đáng. Hơn nữa, hãy dạy con cách tự tiết kiệm tiền để có thể tự mua bánh kẹo, bút viết, đồ dùng để bé vừa học được cách tiết kiệm vừa học được cách xài tiền.

    8. Bồi dưỡng tri thức cho trẻ 3 tuổi qua đọc sách

    Sách sở hữu cả một chân trời tri thức giúp trẻ học hỏi và tìm hiểu được nhiều kiến thức mới lạ. Việc đọc sách giúp bé trau dồi được nhiều kiến thức hay, bổ ích cũng như nhiều đức tính tốt, như tính kiên nhẫn.

    Khuyến khích bé đọc sách từ nhỏ cũng giúp bé hình thành được thói quen đọc sách sau này, đây là một thói quen tốt giúp bé cải thiện được vốn từ vựng cũng như vốn kiến thức về thế giới xung quanh của mình. Về phương pháp, ba mẹ không nên chỉ gò bó bé trong những cuốn sách giáo khoa hay sách truyện mà hãy để bé tự do đọc thứ bé muốn. Như vậy, bé sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn mỗi khi đọc sách.

    9. Dạy trẻ 3 tuổi cách tự phục vụ bản thân

    Dạy kỹ năng tự phục vụ bản thân cho trẻ mầm non 3 tuổi là một việc cần thiết giúp bé có thể tự làm mọi thứ mà không phụ thuộc vào người thân hay ba mẹ. Hơn nữa, kỹ năng này cũng giúp trẻ có trách nhiệm hơn với bản thân, tự lập từ nhỏ.

    Một số những việc mà bé nên học để tự chăm sóc bản thân như tự đánh răng, tự vệ sinh cá nhân, tự ăn, tự xếp đồ, bưng ghế,… Đây là những kỹ năng cơ bản và cần thiết mà ba mẹ cần trang bị cho trẻ từ khi còn rất sớm giúp bé tự lập hơn ở thời điểm hiện tại và hình thành thói quen lâu dài. Đồng thời, việc bé tự biết làm mọi thứ cũng giúp trẻ dễ dàng thích nghi khi đi học ở nhà trẻ, trường mầm non.

    10. Dạy con biết lắng nghe mọi người xung quanh

    Giai đoạn 3 tuổi là giai đoạn mà bé sẽ giao tiếp với ba mẹ bằng những hành động phản kháng lại với lời của ba mẹ. Vì vậy, ba mẹ không nên chỉ trích bé mà nên hướng dẫn bé cách tập trung lắng nghe mỗi khi người khác nói điều gì đó với mình.

    Biết lắng nghe người khác là một đức tính tốt mà ba mẹ cần dạy cho trẻ 3 tuổi. Ba mẹ hãy dạy con biết lắng nghe để có thể thuận lợi hơn trong quá trình trao đổi với người khác. Hơn nữa, từ đó cũng giúp bé phát triển khả năng tư duy tốt hơn và hòa nhập dễ dàng với mọi người xung quanh.

    Cách dạy con biết lắng nghe cũng khá đơn giản nhưng đòi hỏi ba mẹ cần kiên nhẫn với bé. Ba mẹ có thể giao tiếp, trò chuyện nhẹ nhàng trong lúc ăn và chơi cùng bé. Những lúc đó tạo điều kiện cho bé có cơ hội tương tác cùng ba mẹ, đồng thời cũng là điều kiện tốt rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ. Trong lúc giao tiếp với bé, ba mẹ nên dùng những lời lẽ đơn giản, cụ thể để bé dễ dàng hiểu và làm theo được.

     

     

    TÌM KIẾM


    Hỗ trợ trực tuyến
    Trương Thị Thơm (0912358077)
    Trương Thị Thơm (0912358077)
    Trần Thị Thúy Vân (0839337850)
    Trần Thị Thúy Vân (0839337850)
    Dương Thị Huệ  ( 0943646310)
    Dương Thị Huệ ( 0943646310)
    ĐĂNG NHẬP

    Tên đăng nhập
    Mật khẩu
    HÌNH ẢNH
    LIÊN KẾT WEBSITE


    TRƯỜNG MẦM NON TÂN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
    Điện thoại: 0232.3959513 - Email: mntanthuy@lethuy.edu.vn
    Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com